TRANG SINH HOẠT
chuyên phóng sự về các sinh hoạt Cộng Đồng của người Việt Quốc Gia ở Hải Ngoại nói chung và tại Nam Úc nói riêng


Hội Quán Tao Phùng
Một Thời Để Nhớ


Tác giả: V.T
Thể loại: Sinh Hoạt

      Vừa qua, vào ngày 08/01/2017, theo báo cáo trong đại hội thường niên của hội quán Tao Phùng, bà Hà Thị Phương Ngôn  đã trình bày về những nhiêu khê mà hội quán đã gặp phải, đó là: Hội quán Tao Phùng đang gặp sự khó khăn về tài chính, nhân sự điều hành. Và có thể, vài tháng nữa thì hội quán sẽ đóng cửa!...
    Thành thật mà nói, khi bà hội trưởng tuyên bố đóng cửa hội quán Tao Phùng, tôi nghe qua cũng có sự bùi ngùi luyến tiếc! Nhưng biết làm sao hơn khi mà tuổi đời của chúng ta bước vào cửa: Thất thập cổ lai hy! Thôi cũng đành lòng để cho hội quán từ từ đi vào dĩ vãng!
     Hôm nay, âm thầm đếm lại thời gian, tôi đã sinh hoạt trong hội được gần 15 năm. Thời gian trôi đi nhanh quá! Nhanh đến nỗi tôi không thể nào nhìn lại kịp tuổi xuân của mình cứ đi theo ngày tháng lặng trôi nơi xứ người.
   Trước khi viết lại những kỷ niệm cho Một Thời Để Nhớ nơi hội quán Tao Phùng, tôi xin sơ lược qua vài chi tiết về hội quán Tao Phùng:
* Vào đầu thập niên 90, một số vị có hảo tâm muốn tìm cách giúp đỡ những khó khăn ban đầu cho các bậc cao niên mới đặt chân đến Nam Úc, họ chưa có dịp để hội nhập vào đời sống nơi đất khách. Họ đã cùng nhau xây dựng nên một nơi để sinh hoạt, vui chơi, tiêu khiển cuối tuần... Nơi đây được đặt tên theo Việt Nam là Hội quán Tao Phùng và tên đăng ký với chính quyền là: The Indochinese Elderly Association of SA Inc.
     Danh xưng Hội Quán Tao Phùng do nhóm của bác sĩ Lê Công Phước cùng với một số vị quen biết đặt tên. Dù giai đoạn đầu đã gặp những khó khăn, nhưng các vị hội viên như:  Cụ Vũ Trang Mục, Phan Văn Mành, Đỗ Tấn Hoa , Trần Văn Nhu, Bác sĩ Ngô Anh Tuấn...Tất cả họ đã có lòng đoàn kết và kêu gọi mọi người gia nhập hội. Vì vậy, hội phát triển một cách nhanh chóng. Thời gian nầy, bà Đông Kinh đã cho hội mượn căn shop tọa lạc tại 62 Hanson Road, làm trụ sở ban đầu của Hội Quán Tao Phùng. Số hội viên lúc bấy giờ có 20 thành viên, gồm cả sáng lập viên. Nơi đây, hội chỉ sử dụng phía trước làm văn phòng hội họp. Bước đầu, hội chưa có ngân quỹ tài trợ từ chính phủ, mọi người đóng góp được 1000 dollars là nguồn vốn đầu tiên để sinh hoạt. Hội đã sắm sửa những dụng cụ cần thiết như: Ghế bàn, bình trà, ly tách và mua trà, cà phê tiếp khách. Các thành viên nồng cốt ban đầu của hội gồm có: Cụ Vũ Trang Mục & Phu nhân, ông Phan Văn Giản, ông Hoàng Văn Thìn, ông Đào Tổ Chức, bác Việt Hồ, bác Lâm Tiến Bằng, ông Nguyễn Bá Nên, Bác sĩ Phước, Bác sĩ Tuấn, ông Nguyễn Hữu Thanh, ông Đỗ Tấn Hoa, ông Phan Văn Mành, ông Trần Văn Nhu, ông Trương Đạt Phong, ông Đỗ Ngọc Thố, ông Vũ Đức Hiến và bà Phạm Thị Loan, ông Trần Công, ông Trần Thâm...
* Thành phần nhân sự của Ban Chấp Hành qua các nhiệm kỳ :
     Đến ngày 3.10.1993, Hội quán chính thức ra mắt trước các Hội đoàn, đoàn thể và đồng hương Nam Úc tại nhà hàng Unley thành phố Adelaide với 300 quan khách tham dự. Bác sĩ Lê Công Phước người khởi xướng để hình thành hội đã đề tặng 2 câu thơ trong đêm Hội ra mắt:
Thục nữ giai nhân duyên hạnh ngộ
Tao nhân mặc khách Hội Tao Phùng.
     Hội quán Tao Phùng sinh hoạt cho đến nay là bước sang năm thứ 24, với những thời hội trưởng:

1./ Vũ Trang Mục hội trưởng từ1993 đến 1994, với thành phần BCH như sau:
Cụ Vũ Trang Mục: Hội trưởng
Ông Hoàng Văn Thìn: Phó Nội vụ
Ông Đào Tổ Chức: Phó Ngoại vụ
Ông Trần Công: Kế hoạch & Thư ký
Bà Phạm Thị Loan: Thủ Quỹ
2./ Phan Văn Giản hội trưởng từ 1994 đến 1995:
Ông Phan Văn Giản: Hội trưởng
Ông Hoàng Văn Thìn: Phó Nội vụ
Ông Đào Tổ Chức: Phó Ngoại vụ
Ông Trần Công: Kế hoạch & Thư ký
Bà Phạm Thị Loan: Thủ Quỹ
3./ Hội trưởng Nguyễn Văn Mạnh từ1999 đến 2003:
Hội trưởng: ông Nguyễn Văn Mạnh
Phó Nội vụ: ông Trần Công
Phó Ngoại vụ: ông Châu Ngọc Xuân
Phó Sắc tộc: ông Trương Đạt Phong
Thư ký: ông Nguyễn Hữu Thanh
Thủ quỹ: bà Phạm Thị Loan
4./ Trần Công đảm nhận Hội trưởng  từ 2003 đến 2014:
Hội trưởng: Trần Công
Phó nội vụ: Hà Thị Phương Ngôn
Phó ngoại vụ: ÔngThái Minh
Thư Ký: Ông Dư Hữu Chí
Thủ quỹ: Bà Huỳnh Oanh
5./ Hội trưởng Hà Thị Phương Ngôn từ 2014 đến nay:
Hội trưởng: Hà Thị Phương Ngôn
Phó nội vụ: Dư Hữu Chí
Phó ngoại vụ: Bà Nhật An
Thư ký: Tony Châu
Thủ quỹ: Bà Huỳnh Oanh.
   
       Nhìn lại quá trình hoạt động, trải qua những thời hội trưởng, có thể xác định sinh hoạt của hội quán Tao Phùng rất là sung túc với những hoạt động mang tính giải trí và hội ngộ cuối tuần như: Đánh cờ tướng, đánh bóng bàn, bình thơ, ca hát...v...v... Sinh hoạt của hội ngoài những lớp dạy Anh Văn căn bản cho người mới đến Úc, các lớp dạy sử dụng computer, còn có những chương trình gây quỹ từ thiện như: Bảo trợ cho đoàn cải lương Lạc Hồng trình diễn ở Woodville town hall, đêm hát gây quỹ cho thuyền nhân ở các trại tỵ nạn,  cứu trợ sóng thần Tsunami, động đất Pakistan, cháy rừng ở tiểu bang Victoria, động đất Haiti, lũ lụt tiểu bang Queensland,  giúp bệnh viện Nhi Đồng, tổ chức hỗ trợ Tài Năng Trẻ, gây quỹ giúp cơ quan nghiên cứu của bệnh viện Elizabeth...   
      Về mặt báo chí, hội quán đã giới thiệu và phát hành những giai phẩm, đặc san như:  Giai phẩm xuân Ất Hợi 1995, giới thiệu thi phẩm Hoài Cảm của nhà thơ Cổ Nguyệt, giới thiệu tác phẩm Theo Dòng Định Mệnh của nhà văn Dương Đại Trường, phát hành Đặc san Tao Phùng và Kỷ Yếu Tao Phùng nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập hội quán.
      Từ ngần ấy kỷ niệm sinh hoạt nơi hội quán Tao Phùng đã ít nhiều khắc ghi lại trong lòng của hội viên không ít, trong số ấy có tôi. Và những kỷ niệm của sinh hoạt nơi đây trở thành báu vật khi hoàng hôn cuộc đời sắp buông xuống!
    Vâng đúng! Đời người rất ngắn ngủi như cụ Cao Bá Quát đã ví:
Ba vạn sáu nghìn ngày là mấy
Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười
Thôi công đâu chuốc lấy sự đời
Tiêu khiển một vài chung lếu láo
Đoạn tống nhất sinh duy hữu tửu (1)
Trầm tư bách kế bất như nhàn (2)
Dưới thiều quang thấp thoáng bóng nam quan
Ngoảnh mặt lại cửu hoàn coi cũng nhỏ
Khoảng trời đất cổ kim, kim cổ
Mảnh hình hài không có, có không
Lọ là thiên tứ, vạn chung.
      Qua bài thơ nầy, chúng ta thử đi tìm những hình ảnh “Kỷ niệm” còn sót lại nơi hội quán Tao Phùng! Những hình ảnh ấy đang âm thầm trôi vào vùng quá khứ xa xăm, sẽ mất hút vào vùng không gian vô định:
* Còn gì nữa! Những buổi sáng ngồi uống trà, bình thơ, nói chuyện thời sự với các hội viên cao niên: thi sĩ Từ Việt Hồ, bác Lâm Tiến Bằng, bác Nguyễn Bá Nên, bác Bùi Văn Ngô, nhà thơ Thủy Nam..
* Còn gì nữa! Những ngày cuối tuần nơi hội quán Tao Phùng: Tiếng cười vui vẻ của những người đánh cờ tướng, khua âm thanh lộc cộc phát ra từ quân cờ chạm xuống bàn cờ khi chiếu bí đối phương. Đó là tiếng cười của các vị: Bác Cung, bác Hòa, bác Thâu, bác Thời, Tuấn, Thiệt Đinh, Chúc Trung, Tài,
* Còn gì nữa! Những lần Tao Phùng tổ chức du ngoạn, tham quan các thắng cảnh Nam Úc như: Viện bảo tàng xe hơi, sở thú ngoài trời, thăm làng Đức và những nơi sản xuất rượu nho nổi tiếng ở Úc, tham quan cánh đồng lúa mì chạy dài như bất tận, tham quan dòng sông Murray River...
* Còn gì nữa! Những lần tập dợt văn nghệ cho các chương trình từ thiện gây quỹ cứu trợ lũ lụt, cứu trợ cháy rừng, gây quỹ giúp cho công trình nghiên cứu ung thư của bệnh viện Queen Elizabeth... Đó là những buổi tối ngoài giờ hành chánh, các anh chị em trong ban nhạc KBC sau khi tan sở về nhà, ghé lại hội quán Tao Phùng tập dợt, đóng góp tiếng hát của mình cho những chương trình Văn Nghệ. Dư âm tiếng hát vẫn mãi còn lưu lại trong ký ức với những bài tình ca muôn thuở của các anh chị em “ca nhạc sĩ nghiệp dư”: Thu Thùy, Tâm, Thiệt, Oanh, Sương Sương, Quốc Việt, Kim Xuyến, Huỳnh Mai, Ngọc Thúy, Đương Đương, Kim Thắng, Thanh Vân, với những nhạc phẩm đưa hồn người vào phiêu lãng qua các ca khúc: Xin Còn Gọi Tên Nhau, Riêng Một Góc Trời, Hạ Trắng, Ai Đi Ngoài Sương Gió, Dưới Bóng Tre Làng, Dù Nắng Có Mong Manh... Và những nhạc sĩ: Long bass, Thạnh solo, Thân acco, Tâm trống, Hải bass, Dũng, Sonny, Cao Phong... Những bước chân lã lướt qua các điệu nhạc như: bác Nguyễn Bá Nên, bác Tiếp, bác Đào Tổ Chức vẫn còn in dấu chân trên sàn nhảy nhưng người đã ra đi biền biệt nơi nào! Ngậm ngùi thay cho một kiếp nhân sinh của thi sĩ Vũ Đình Liên:
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

* Còn gì nữa! Những buổi tối dạy Anh Văn của thầy Vũ Khắc Tĩnh, học viên mới đến Úc phát âm còn lơ lớ âm hưởng Việt Ngữ: I’m new arrivers
    Còn gì nữa! Còn gì nữa! Tất cả hình ảnh một thời sinh hoạt nơi hội quán Tao Phùng đã ra đi biền biệt, biết đâu tìm! Có chăng, chỉ còn lại dư âm của một thời để nhớ! Trong chuỗi dài những hình ảnh thân thương ấy, có vài hình ảnh của các bác: Bác Mục, bác Bằng, bác Việt Hồ, bác Nên, anh Mạnh, anh Trần Minh Hoàng, anh Đỗ Ngọc Thố, bác Hữu Thanh, bác Đào Tồ Chức, bác Giản .... Họ đã ra đi mang theo hai chữ biệt ly và mãi mãi không bao giờ trở lại hội quán nữa!
     Rồi sau nầy, một ngày nào đó, chúng ta có dịp đi nang qua hội quán Tao Phùng vào một buổi chiều nhạt nắng, nhìn vào khoảng sân trống vắng, chúng ta ngậm ngùi thốt lên:
Lối xưa xe cộ hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương...!!!
     Thế mới nhận ra rằng: Kiếp người phù du và ảo ảnh.!!!!

Adelaide cuối hè 2017

V.T